<<< Retour >>>
Vào thời kỳ mà ở Hoa Kỳ kinh tế đang trì trệ, thất nghiệp gia tăng, trong khi ở bên nầy bờ Đại Tây Dương, thâm thủng ngân sách quốc gia trầm trọng, lan rộng trong các nước Âu Châu : Tây Ban Nha, Ý, Pháp, đến đổi như Hy Lạp, chính phủ gần như phá sản, phải đưa ra những biện pháp thất nhân tâm, như giảm lương, giảm tiền hưu trí để cố gắng một cách vô vọng cứu vãn cán cân tài chính ; còn ở Châu Á những thiên tai khủng khiếp cứ xãy đến cho lục địa còn nghèo khổ, chưa được phát triển mạnh nầy, khiến người dân thêm khổ sở …
Tất cả những sự kiện đó ở đầu thế kỹ thứ 21 nầy làm cho con người, không ít hay nhiều, cảm thấy buồn chán, thất vọng và nhìn tương lai qua gọng kính không được tươi sáng lắm
Nhưng con người, với bản tính sinh tồn trời ban, hơn bao giờ hết, đi tìm niềm vui, hy vọng và hạnh phúc ở một khía cạnh khác đơn giản hơn, mà trước đó, vào thời kỳ kinh tế hưng thịnh, tiền bạc thâu kiếm dễ dàng, công việc làm ăn không thiếu, những hạnh phúc, niềm vui đơn giản đó bị xem như thứ yếu, không đáng quan tâm, hay có thể nói, được đánh giá là thấp kém. Những thứ hạnh phúc đó là gì, mà hiện nay trong thời kỳ khủng hoảng, người ta lại quí trọng ?
Người ta đã định nghĩa như thế nầy về hạnh phúc : hạnh phúc giống như hiện tượng đi xe đạp, trước hết phải học mới biết xử dụng chiếc xe, phải tập để đừng bị ngả và khi biết đi xe đạp rồi thì phải nhuần nhuyễn đi thường thì mới thực hiện môn thề thao nầy một cách hoàn hảo. Nghĩa là : - hạnh phúc không phải là món quà trời ban mà muốn có hạnh phúc phải tự mình tìm tòi và phải dầy công tập luyện. Có những nhân vật đã thường xuyên xác nhận là họ rất hạnh phúc, như Matthieu Ricard ( nhà khoa họa Pháp bỏ đi tu theo Phật Giáo Tây Tạng, hiện là cộng tác viên kề cận của Đức Đạt La Đạt Ma ), như Desmond Tutu ( người Nam Phi, chủ trương ôn hòa và bất bạo động trong các cuộc biểu tình, vận động chống chế độ phân biệt chủng tộc apartheid. Chính nhờ vậy ông được ban tặng giải Nobel Hòa Bình năm 1984, sau đó được chỉ định làm Tổng Giám Mục tại Nam Phi. Với tính tình khẳng khái, dù bất bạo động , năm 2009 ông đứng đầu lá thư ngỏ gởi Trung Quốc và được 10 000 chữ ký cùng 40 nhân vật danh tiếng ủng hộ. Lá thư yêu cầu Trung Quốc không nên phỉ báng Đức Đạt Lai Đạt Ma qua những lời lẽ mà họ thường dùng ), Richard Branson ( nhà tỷ phú người Anh, giàu và nổi tiếng nhờ nhản hiệu Virgin, ông cũng là một người thích phiêu lưu và đạt được nhiều thành tích ) Mick Jagger ( ca sĩ, nhạc sĩ danh tiếng của nhóm Rolling Stones )… Khi được hỏi họ định nghĩa thế nào là hạnh phúc, các nhân vật nổi tiếng nầy nói rằng : hạnh phúc là trong mỗi giây phút hiện hữu ta biết thưởng thức, biết tận hưởng những gì mà mình cho là vui sướng… Ta sẽ thấy hạnh phúc càng ngày càng tăng, nếu ta thỏa mản và bằng lòng với cái hạnh phúc đã được chọn lọc đó.
Có cái gì không ổn khi ngày nay chúng ta được chăm sóc sức khỏe kỹ lưỡng, sống trong ngôi nhà đầy đủ tiện nghi, để giải trí có máy truyền hình, để mở mang kiến thức và học hỏi ta có đầy đủ sách vở các loại, để chống lại bịnh tật có thuốc ngừa, thế mà theo nghiên cứu, trên thế giới nầy, ở mọi nơi trên quả địa cầu con người đều cho là số phận mình chưa được tốt đẹp lắm và muốn có một tương lai rạng rở hơn, nghĩa là hạnh phúc còn là cái gì xa vời. Đó là hiện tượng mà người ta gọi “sự nghịch lý của những người Nhật Bản” ( le paradoxe japonais ). Thực vậy, cách đây 30 năm, người dân Nhật Bản có rất ít tiện nghi, không có điện thoại, không có hệ thống sưởi trong nhà, không có trò chơi điện tử, nhưng lúc đó, theo dò hỏi và thống kê, họ là dân tộc hạnh phúc nhất địa cầu. Vậy mà ngày nay, họ tiến bộ vượt bực, có tất cả mọi tiện nghi tân tiến, nhưng họ lại hay mắc bịnh trầm cảm, buồn chán khá đông. Tỷ lệ tự tử rất cao, đạt kỷ lục, trong số 1000 người có 25 người Nhật tự kết liễu cuộc đời. Mỗi năm, chính phủ Nhật đã hao hụt đi trong ngân sách 25 tỉ euros vì những người bị bịnh trầm cảm và tự tử bỏ việc làm. Như vậy cho thấy, tiện nghi vật chất không làm cho con người hạnh phúc và sung sướng.
Theo thống kê mỗi 4 năm của cơ quan World Values Survey, trong 46 quốc gia được thăm dò, khi hỏi về điều kiện để có hạnh phúc, đa số người dân cho là :
Quan trọng nhất để có hạnh phúc, theo thứ tự là :
Cũng theo các nhà nghiên cứu, họ khuyên ta trao dồi hạnh phúc bằng 4 điều cần thực hiện như sau :
Ngoài ra, hiện chúng ta sống vào thời đại mà sự tiêu xài, mua sắm là một hiện tượng xã hội. Chúng ta phải tiêu xài, mua sắm đôi khi một cách xa hoa để thỏa mản sự đòi hỏi trong tâm thức, để được hảnh diện đối với những người chung quanh, chứ không phải để giải đáp những nhu cầu thiết yếu trong đời sống, hay nói một cách khác là để khoa trương. Khởi đầu ta nghĩ, những sự tiêu xài, mua sắm đó sẽ đem lại cho ta sự thỏa mản, vui sướng trong tâm hồn nhưng thực sự, trái lại nó chỉ đưa ta vào cái vòng lẫn quẫn không lối thoát của sự tiêu xài hoang phí, vì chạy theo cái hiện tượng xã hội rất thịnh hành hôm nay là : tiêu thụ bừa bãi không tính toán.
Chính vì hiểu thấu điều nầy có nhiều nhóm người chủ trương, để sống hạnh phúc phải sống đơn giản không phụ thuộc vào xã hội tiêu thụ ngày nay. Những người nầy từ bỏ một số tiện nghi vật chất mà họ cho là không cần thiết. Như xin nghỉ việc ở những cơ quan dù lương cao nhưng thời gian làm việc không giờ giấc, đi sớm về khuya, làm cho đầu óc căng thẳng, dễ đưa đến tổn thương tim, nảo. Như về sống ở đồng quê yên tỉnh thay vì sống ở thành thị náo nhiệt. Như chỉ tiêu thụ rau cải, trái cây hay tất cả những gì cần thiết, do chính họ tự trồng trọt, tự chế tạo lấy. Như từ bỏ cách sống vội vả, lúc nào cũng chạy đua với thời gian, để sống an nhiên tự tại, hưởng thụ từ giây từ phút cho cá nhân và cho những người thân yêu. Như ăn rau quả, đậu bắp thay vì ăn thịt cá… Càng lúc, số người chủ trương sống hài hòa với thiên nhiên và đi tìm cái hạnh phúc đơn giản, bình dị càng đông. Dù sống rất đơn sơ họ cho là họ hết sức hạnh phúc và không hề hối tiếc đã chọn lựa nếp sống bình dị nầy. Trong số những người đó, trước kia có người đã từng giử những chức vụ lớn, những “golden boy” đã thành công trên đỉnh cao của xã hội, nhưng nay từ bỏ lối sống xa hoa để chọn nếp sống đơn giàn.
Khi quan sát họ, những người có vẻ “lập dị” ở vào thời đại tân tiến và tiêu thụ hôm nay, ta sẽ thấy nét rạng rỡ, vui tươi hiện ra trên khuôn mặt họ. Những người nầy không bị bịnh mất ngủ, không bị bịnh tâm thần hay trầm cảm, trái lại, họ là những người ăn ngon ngủ yên, sức khỏe tốt, nếu có bịnh thì họ lành bịnh nhanh chóng và có tuổi thọ cao hơn nhiều người khác. Đó là những người sung sướng đã tìm được cái hạnh phúc thực sự của đời mình.
Chúng ta nghĩ gì về cái hạnh phúc đó ? Hay chỉ kết luận là đi tìm hạnh phúc trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế hôm nay, có thể tóm gọn trong câu nói của thánh hiền đông phương ngày xưa : Tri túc, tiện túc hà thời túc ( Biết đủ thì đã là đủ ) hay của nhà triết học Hy Lạp Aristote đã nói từ 300 năm trước Thiên Chúa : Hạnh phúc tùy thuộc do chính chúng ta thôi. ( Le bonheur dépend de nous seul ).
Thanh Vân Paris, 17/09/2010